ThS. Phan Ngọc Yến - Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo đến đời sống của toàn thể nhân dân, trong đó Người rất quan tâm đến ngành Y tế và luôn dành cho người thầy thuốc những tình cảm tốt đẹp nhất. Người thấy rõ tầm quan trọng đặc biệt của sức khỏe và vị trí quan trọng của ngành Y tế trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngay từ năm 1946, chỉ chưa đầy một năm sau ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ đã căn dặn mọi người rằng: Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công... Ngày 27-2-1955, báo Nhân dân số 362 đăng bài Thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức thư ngắn gọn, súc tích chứa đựng nội dung sâu sắc, khoa học, mang tính định hướng chiến lược đối với ngành Y tế nước ta. Với ý nghĩa đó, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 39/HĐBT ngày 6-2-1985, lấy ngày 27-2 hàng năm là “Ngày Thầy thuốc Việt Nam”. Ngày 27-2 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Y tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có nhiều lời dạy dành cho những chiến sĩ áo trắng mà đặc biệt, bằng trái tim nhân hậu, khối óc thiên tài, tác phong giản dị, chân thành, gần gũi , Người đã lôi cuốn, thu hút được rất nhiều trí thức nghề y ở cả trong và ngoài nước phục vụ cách mạng, tham gia kháng chiến cứu quốc một cách tự nguyện, tận tâm, tận lực với niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và thành công của cách mạng nước nhà.
Một trong số những trí thức ngành y đó phải kể đến đó là Giáo sư, Bác sĩ Trần Hữu Tước – người sáng lập và xây dựng ngành Tai – Mũi – Họng Việt Nam, một trong những vị giáo sư đầu ngành của nền y học hiện đại.
Năm 1946, sau khi nước nhà độc lập, chuyến đi đầu tiên của Chủ tịch Hò Chí Minh là đến thăm nước Pháp. Khi đó Giáo sự Trần Hữu Tước được Hội Việt Kiều cử làm bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ vậy, mà ông hiểu hơn được nhiều điều, trong đó ông hiểu cách mạng đã thành công, nước nhà còn nhiều khó khăn và nghĩ rằng mình cần phải về tiếp sức cho đồng bào. Sau hơn 13 năm, ông đã có cuộc sống ổn định, sung túc ở Pháp, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, ông đã từ bỏ cuộc sống đó và cùng với một số trí thực việt kiều khác như: Trần Đại Nghĩa, Võ Quý Huân…trở về quê hương, phụng sự Tổ quốc. Trong kháng chiến chống Pháp, Giáo sư Trần Hữu Tước đã giảng dạy tại Đại học Y dược chiến khu, đào tạo hơn 500 y bác sĩ chuyên ngành Tai – Mũi – Họng. Hòa bình lập lại, ông trở thành Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Y học Việt Nam. Ông là người góp phần xây dựng nên ngành Tai – Mũi – Họng Việt Nam hoàn chỉnh, có nhiều chuyên môn sâu, có những đóng góp to lớn cho nền y học nước nhà, có tiếng vang trên trường quốc tế. Với những đóng góp đó, Giáo sư Trần Hữu Tước đã được Đảng và Nhà nước trao tặng các hanh hiệu: Anh hùng Lao động (1966), Huân chương Độc lập hạng Nhất (1983), truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật đợt I (1996), được tặng Kỷ niệm chương của Trung đoàn Thủ đô.
Cũng như giáo sư Trần Hữu Tước, đáp lại tình yêu thương vĩ đại của Bác dành cho, Giáo sư Hồ Đắc Di là bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học y khoa của nước Việt nam độc lập, vị giáo sư đại học Việt Nam đầu tiên và duy nhất trước Cách mạng tháng 8 đã có những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp cách mạng Nước nhà.
Ông sinh ra trong một gia đình quý tộc ở Huế, nhưng thân sinh của ông là cụ Hồ Đắc Trung đều hướng con theo hướng văn hóa Tây phương. Năm 1918, ông sang Pháp du học ngành y. Lúc bấy giờ, với danh nghĩa “Hội những người Việt Nam yêu nước”, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra 8 yêu sách trước Hội nghị Versailles, đã gây tiếng vang lớn ở Pari, tác động mạnh mẽ đến tâm tư tình cảm của chàng sinh viên y khoa Hồ Đắc Di, anh hết sức khâm phục và hâm mộ Nguyễn Ái Quốc.
Một sáng chủ nhật, cùng với luật sư tập sự Dương Văn Giáo, quê ở Nam Bộ, Hồ Đắc Di đến câu lạc bộ sinh viên Việt Nam ở số nhà 15 phố Sommerard, Khu Latin, Paris, nhìn vào phòng anh thấy có ba người đang ngồi trò chuyện. Đó là Phan Chu Trinh, luật sư Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc. Hồ Đắc Di xúc động đến bàng hoàng. Thì ra, con người đã cất cao tiếng nói đanh thép đòi quyền lợi chính đáng cho dân tộc Việt Nam, người ấy đang ngồi trước mặt mình.
Từ sau lần gặp gỡ đó, người ta thấy Hồ Đắc Di có mặt trong số sinh viên Việt Nam bí mật đi bán các số báo “ Người cùng khổ”và “Việt Nam hồn”trong đám thợ thuyền ở khu Latin. Học xong, Hồ Đắc Di thi đỗ bác sĩ nội trú, rồi vào làm việc tại Bệnh viện Tenon ở Paris và trở thành trợ giáo trường Đại học Y khoa Paris. Trong luận văn tốt nghiệp bác sĩ y khoa của mình, Hồ Đắc Di đã đề xướng một phương pháp mới trong phẫu thuật dạ dày: phương pháp “nối thông dạ dày - tá tràng” để điều trị chứng hẹp môn vị, mà không phải cắt bỏ dạ dày như trước đó. Cách điều trị mới này được ứng dụng ở nhiều nước trong suốt mấy chục năm liền.
Năm 1931, sau 13 năm sống trên thủ đô hoa lệ của nước Pháp, Hồ Đắc Di trở về Huế. Sau đó, chuyển về Bệnh viện Quy Nhơn. Đến năm 1942, Hiệu trưởng trường Y lúc bấy giờ là Leroy des Barres mời Hồ Đắc Di giảng dạy về phụ sản cho trường Đại học Y Dược ở Hà Nội. Từ đấy, ông vừa giảng dạy bên trường Y Dược, vừa làm bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện Phủ Doãn. Lúc đó, trên toàn cõi Đông Dương chỉ có hai người được phép cầm dao mổ- hai người Pháp - là Leroy des Barres và Cartoux. Bác sĩ Hồ Đắc Di là người thứ ba và là người Việt Nam đầu tiên được chính quyền thực dân Pháp cho làm bác sĩ phẫu thuật.
Nhật vào Đông Dương, Pháp thua trận, máy bay Đồng Minh ném bom Hà Nội. Tại bệnh viện Phủ Doãn, các bác sĩ Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Vũ Đình Tụng làm việc ngày đêm bên bàn mổ. Hồ Đắc Di là người đầu tiên ở Đông Dương nghiên cứu tình trạng sốc do chấn thương và có công trình đăng trên Tạp chí Y học Pháp ở Viễn Đông. Một số tạp chí y học lớn như Tạp chí Viện Hàn lâm phẫu thuật Paris , báo Y học Pháp quốc hải ngoại… mời ông viết bài. Một số công trình của ông có ý nghĩa mở đường, tất cả đều được ông viết trước năm 1945. Được biết, trong 37 công trình đã công bố của nhà y học Hồ Đắc Di, hiện nay mới tìm lại được 21 công trình.
Người thứ ba kể đến là Bác sĩ – giáo sư Tôn Thất Tùng sinh ra ở Thanh Hóa, lớn lên ở Huế. Khoảng 1931, ông ra Hà Nội học, học ở Trường Bưởi và sau đó là Trường Y. Năm 1938, khi thực dân Pháp tổ chức thi nội trú cho các bệnh viện, ông là người duy nhất được nhận. Ông đã chọn Khoa Ngoại, Trường Đại học Y khoa Hà Nội (Nay là Bệnh viện Việt Đức) là nơi làm việc của mình. Trong những ngày bừng bừng khí thế của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lần đầu tiên ông được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông được mời đến chữa bệnh cho Bác. Tại cuộc gặp gỡ này, Bác Hồ đã để lại trong ông một ấn tượng và niềm tin sâu sắc. Và cũng từ lần găp đó, tâm hồn ông đã đi theo cách mạng.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được giữ chức Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn, Hà Nội. Cũng như các trí thức khác của nước ta, giáo sư Tôn Thất Tùng luôn được Bác quan tâm, giúp đỡ và đặt nhiều niềm tin. Không phụ lòng tin yêu của Bác, Giáo sư đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp với mong muốn đưa nền y học Việt nam sánh vai với các nước trên thế giới.
Giáo sư Tôn Thất Tùng đã để lại cho nền y học nước nhà 123 công trình khoa học, đặc biệt Ông là một trong những nhà khoa học đầu tiên xây dựng phương pháp mổ gan mang tên: “Phương pháp Tôn Thất Tùng” (hay Phương pháp mổ gan khô)
Đây chỉ là ba trong số rất nhiều những trí thức ngành y đã được Bác Hồ kính yêu lôi cuốn, cảm hóa và chỉ đường dẫn lối để cống hiến trọn đợi cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nước nhà. Bác luôn dành một sự trân trọng thật sự dành cho ác trí thức. Đã giao việc thì giao quyền. Đã giao quyền là hoàn toàn tin tưởng. Trong sử dụng trí thức, Người không bao giờ áp đặt hay lên mặt dạy đời. Bác luôn giản dị, khiêm tốn. Đó là một phong cách rất trí thức nên được trí thức ghi tạc, truyền tụng. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức hút phi thường đối với các tầng lớp nhân dân, kể cả những trí thức kiêu sang nhất, khó tính nhất. Hầu hết các trí thức Việt Nam đều suy nghĩ rằng là: Nếu không phải Hồ Chí Minh thì có lẽ khó có ai tập hợp được bấy nhiêu nhân tài của đất nước.
Quả đúng như vậy, bằng tất cả niềm tin tuyệt đối dành cho Đảng, cho Bác Hồ Kính yêu, rất nhiều các trí thức Việt Nam trong đó có trí thức ngành y đã bỏ lại vinh hoa phú quý, cuộc sống ổn định, cơ hội công danh xán lạn để đi theo kháng chiến, theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.