Xem chi tiết - Trường Chính Trị Hậu Giang

 

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA DOANH NHÂN VIỆT NAM TRONG TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN

Ngày 13-10-2021

 

CN. Nguyễn Thị Chúc Huyền - GV Khoa Nhà nước và pháp luật

1. Doanh nhân là ai?

Doanh nhân là một trong những thành phần phổ biến trong xã hội hiện nay. Trước đây, những thương nhân trao đổi mua bán hàng hóa được xem là các doanh nhân đầu tiên trong lịch sử loài người. Bản chất doanh nhân là những người làm ăn, kinh doanh. Ở nước ta trước năm 1986, “doanh nhân” không được tôn trọng, họ được gọi bằng những từ ngữ mô tả kinh doanh (thuộc tư nhân, tư hữu) như: hàng xáo, con buôn, cò…

Đến thời hiện đại, doanh nhân được nâng lên một tầm mới, họ là người tham gia vào lĩnh vực kinh doanh, thực hiện các hoạt động thương mại hoặc công nghiệp với mục đích tạo ra dòng tiền, bán hàng và doanh thu. Họ sử dụng kết hợp vốn nhân lực, tài chính, trí tuệ và vốn vật chất để tạo ra sự tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế.

Cuốn Từ điển tiếng Việt (xuất bản tháng 4-2007) của Trung tâm từ điển học, do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên, Doanh nhân được định nghĩa là “Người làm nghề kinh doanh”; đồng thời còn có từ Doanh gia, được định nghĩa là “nhà doanh nghiệp, nhà kinh doanh lớn, có tiếng tăm” (tr. 218).

Như vậy, có thể hiểu “Doanh nhân là người sáng lập, chủ sở hữu hoặc cổ đông lớn của một doanh nghiệp thương mại. Doanh nhân đôi khi cũng gắn liền với những vị giám đốc điều hành, quản lý doanh nghiệp mặc dù chưa chắc họ là chủ sở hữu”.

Tuy nhiên, các giám đốc thuộc công ty nhà nước không được gọi là doanh nhân. Doanh nhân là thuật ngữ dành cho những công ty, doanh nghiệp ngoài nhà nước. Ngày trước doanh nhân chỉ gói gọn trong mỗi quốc gia, ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế toàn cầu, doanh nhân có thể là từ các chủ đầu tư nước ngoài.

Doanh nhân đóng vai trò quyết định trong việc huy động các nguồn lực tạo ra sản phẩm và dịch vụ cho xã hội, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chiến lược toàn diện về tăng trưởng, xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động góp phần, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của đất nước.

2. Nguồn gốc ngày và ý nghĩa Ngày Doanh nhân Việt Nam

Sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư tay cho giới Công thương Việt Nam. Trong thư Người viết “…Hiện nay Công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích lợi quốc dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng.

Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng…” (Trích Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới Công thương được đăng trên Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam).

Để phát huy vai trò, truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội trong việc góp phần xây dựng và phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo đề nghị của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp, ngày 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg về Ngày Doanh nhân Việt Nam, hằng năm lấy ngày 13 tháng 10 là “Ngày doanh nhân Việt Nam”. Việc Thủ tướng Chính phủ quyết đinh lấy ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc - đó chính là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Thực tế đã khẳng định ý nghĩa lịch sử của bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương vào ngày 13/10/1945. Trong giai đoạn này - giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế - bức thư của Hồ Chủ tịch vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện đường lối đúng đắn và chỉ dẫn mang tính chiến lược của Người đối với việc khẳng định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong xây dựng và kiến thiết đất nước.

Ý nghĩa của Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 chính là sự tôn vinh đóng góp của những người doanh nhân với sự phát triển của xã hội, khẳng định vị trí của mình vào công cuộc phát triển chung của đất nước, tạo động lực cho đội ngũ tinh hoa này sẽ tiếp tục tiến lên, vượt qua những thách thức, đóng góp vào công cuộc chung, giúp những vị doanh nhân nhận thức đúng đắn, ngày càng hăng hái trong việc phát triển sản xuất, đưa kinh tế Việt Nam phát triển, hội nhập với thế giới.

3. Sự phát triển của Doanh nghiệp, Doanh nhân Việt Nam hiện nay

Những năm qua, các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế.

Thực hiện đường lối của Đảng, dưới sự quản lý của Nhà nước, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và rất đáng tự hào. Năm 2019, bình quân cả nước có 7,9 doanh nghiệp đang hoạt động/1.000 dân so với 5,4 doanh nghiệp năm 2016. Giai đoạn 2017-2020, tỷ trọng của kinh tế tư nhân trong GDP luôn chiếm tỷ trọng cao nhất và liên tục tăng, từ 41,75% (2017) lên mức 42,68% (2020). Ðến tháng 1 năm 2021, Việt Nam đã có hơn 800 nghìn doanh nghiệp, khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh, số lượng đội ngũ doanh nhân đã lên đến hơn 5 triệu người. Con số trên đã minh chứng việc mở đường cho doanh nghiệp phát triển là hướng đi đúng đắn, nhiều doanh nhân Việt Nam lọt vào tốp “tỷ phú USD” toàn cầu. Họ là lực lượng chủ công, xung kích trong công cuộc thoát nghèo vĩ đại, đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, bị tàn phá bởi chiến tranh, trở thành một nước có thu nhập trung bình và đang vững vàng hội nhập.

Cùng với sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đội ngũ doanh nhân nước ta đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói, giảm nghèo và tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của đất nước. Hiện khu vực doanh nghiệp cũng đóng góp hơn 60% GDP, với khoảng 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút hàng chục triệu lao động. Vì vậy, có thể coi việc thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển và tạo nên vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới là sứ mệnh, trọng trách của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp.  Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp tiềm lực như: Viettel, Vingroup, Vietnam Airlines, Vinamilk, FPT, Thaco, TH Group… Những doanh nghiệp này đang ngày một lớn dần về cả về quy mô, năng lực cạnh tranh, sản phẩm dịch vụ, quản trị điều hành, công nghệ. Đã có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, về số lượng, chất lượng của doanh nghiệp cũng còn những vấn đề phải quan như: tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, năng lực tài chính và quản trị yếu… như nhận định tại Đại hội XIII của Đảng: “Năng lực và trình độ của nền kinh tế nhìn chung còn thấp. Công nghiệp vẫn chủ yếu gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, tỷ lệ nội địa hóa thấp, hiệu quả tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế;...”

Trong tương lai, môi trường xã hội, môi trường pháp lý thuận lợi hơn sẽ tạo điều kiện để doanh nhân Việt Nam ngày càng phát huy mạnh mẽ sở trường và tiềm năng của mình, vươn ra tầm thế giới.

4. Sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Hậu Giang

Hòa vào xu thế phát triển chung, doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân tỉnh Hậu Giang cũng không ngừng phát triển, khẳng định vị thế và uy tín trong quá trình sản xuất, hợp tác kinh doanh.

Theo thống kê, đến hết năm 2020, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang có 148 hội viên, riêng nhiệm kỳ vừa qua phát triển được thêm 125 hội viên. Với phương châm “Kết nối doanh nhân, nâng tầm doanh nghiệp”, Hiệp hội đã khẳng định được uy tín, vai trò cầu nối cho doanh nghiệp với chính quyền, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế. Hiệp hội tổ chức chương trình Cà phê doanh nhân định kỳ mỗi tháng một lần (thời gian gần đây có gián đoạn do dịch Covid-19), qua đó lãnh đạo tỉnh đã kịp thời nắm bắt và tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Được biết, giá trị tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Hậu Giang năm 2020 đứng đầu trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành là minh chứng cho sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Hậu Giang.

Với thông điệp “công việc của người dân và doanh nghiệp cũng là công việc của chính quyền”, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, nhấn mạnh trong buổi Cà phê doanh nhân lần I trong năm 2021 do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức: “Mỗi sở, ngành, địa phương cần xác định luôn đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp, những kiến nghị, vướng mắc được ghi nhận và giải quyết ngay”. Qua đó, cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đối với doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đ/c Lê Tiến Châu, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang phát biểu tại buổi Cà phê doanh nhân (3/2021)

Hiện nay, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19 nên các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm cao, các doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Hậu Giang đã tích cực tham gia đóng góp cho an sinh xã hội và các hoạt động góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang, chung tay phòng chống dịch COVID-19, ủng hộ đồng bào miền Trung trong thiên tai, lũ lụt… với tổng số tiền trên 5,4 tỷ đồng.

Qua đó cho thấy đội ngũ doanh nhân tỉnh Hậu Giang ngày càng lớn mạnh, có đủ năng lực, trình độ để quản lý, điều hành doanh nghiệp, vừa có tâm, có tầm, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tăng cường liên kết, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch cùng phát triển, góp phần vào sự phát triển của kinh tế xã hội tỉnh Hậu Giang nói riêng và cả nước nói chung.

5. Giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân đáp ứng yêu cầu phát triển mới

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong đó có Hậu Giang. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định cần: “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nhất là các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứu XIV cũng nhấn mạnh ở các nhiệm vụ chủ yếu: “Tập trung phát triển kinh tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát huy sức mạnh tổng hợp mọi thành phần kinh tế; tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, có chính sách quan tâm doanh nghiệp tư nhân; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội kết nối giữa các địa phương trong Tỉnh và giữa Tỉnh với các tỉnh, thành trong khu vực. Chủ động và tích cực trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế”.

Để xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là bước đột phá góp phần thúc đẩy phát triển đất nước nói chung cũng như tỉnh Hậu Giang nói riêng thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với sự nghiệp phát triển đội ngũ doanh nhân.

Các cấp ủy đảng thường xuyên quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân; chỉ đạo triển khai thực hiện chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân. Cụ thể hóa đường lối, chính sách của Ðảng đối với đội ngũ doanh nhân bằng các chương trình hành động thiết thực. Thường xuyên lắng nghe và tham vấn ý kiến của doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương. Qua đó, nhằm định hướng, tạo lập một đội ngũ doanh nhân đầy khát vọng cống hiến, khát khao làm giàu, đủ bản lĩnh vượt qua những thách thức trong bối cảnh hiện nay. Khẳng định được thương hiệu Việt trên trường quốc tế và có một trách nhiệm với cộng đồng, với quốc gia, dân tộc.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đồng thời với việc công khai minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển.

Phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt, lành mạnh các thị trường, nhất là thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường khoa học - công nghệ. Công khai, minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ để định hướng cho doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch phát triển và bảo đảm quyền lợi đầu tư, giảm rủi ro kinh doanh cho doanh nhân.

Thứ ba, xây dựng hệ thống các biện pháp hỗ trợ doanh nhân tham gia khu vực kinh doanh chính thức, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đẩy mạnh liên kết sản xuất, kinh doanh.

Xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp gắn với quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp, chuyển dịch cơ cấu ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh liên kết sản xuất; Hỗ trợ doanh nhân xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong nước và nước ngoài thông qua các chương trình xúc tiến thương mại cụ thể, thực chất.

Thứ tư, tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo và bồi dưỡng doanh nhân.

Bản thân mỗi chủ doanh nghiệp cần có ý thức nâng cao trình độ học vấn, các kiến thức chuyên ngành, kiến thức văn hóa, kinh tế, pháp luật và xã hội, những ứng dụng khoa học kỹ thuật để cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí…

Tóm lại, đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế./.

Tài liệu tham khảo

  1. Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
  2. https://www.baohaugiang.com.vn/thoi-su-trong-tinh/dai-hoi-hiep-hoi-doanh-nghiep-tinh-hau-giang-nhiem-ky-2020-2025-94763.html
  3. https://www.baohaugiang.com.vn/thoi-su-trong-tinh/hon-40-doanh-nghiep-tham-gia-ca-phe-doanh-nhan-lan-i-nam-2021-96457.html
  4. https://dangcongsan.vn/kinh-te/doanh-nhan-viet-nam-thanh-qua-cua-cong-cuoc-doi-moi-565492.html
  5. https://www.thanhuytphcm.vn/tin-tuc/hinh-thanh-doi-ngu-doanh-nhan-sang-tao-tu-lap-tu-chu-dam-nghi-dam-lam-dam-duong-dau-1491873367

 

* Để xem thêm chi tiết, tải về tại đây
1. 1 BAI VIET WEB DOANH NHAN VIET NAM.docx_20211013140309.docx

Đang online: 3
Hôm nay: 1376
Đã truy cập: 1346233
You do not have the roles required to access this portlet.