Xem chi tiết - Trường Chính Trị Hậu Giang

 

BẾ GIẢNG LỚP TẬP HUẤN “PHÁT TRIỂN VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH DỊCH CHUYỂN ĐỊA CHIẾN LƯỢC MỚI CỦA CÁC NƯỚC LỚN” CHO GIẢNG VIÊN GIẢNG DẠY KINH TẾ CHÍNH TRỊ

Ngày 30-09-2021

 

Lớp tập huấn diễn ra từ ngày 27/9/2021 - 30/9/2021 do Viện Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức bằng hình thức trực tuyến qua phần mềm Microsoft Teams. Tham dự lớp Bồi dưỡng có hơn 300 giảng viên giảng dạy bộ môn Kinh tế chính trị và cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các Học viện trực thuộc Học viện CTQG Hồ Chí Minh, giảng viên Khoa Lý luận cơ sở các trường Chính trị trong cả nước. Tham gia lớp còn có một số khách mời là các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, giảng dạy ở một số viện, trường ngoài hệ thống học viện. Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang cử 05 đồng chí là Lãnh đạo và giảng viên Khoa Lý luận cơ sở tham dự.

Qua 4 ngày tập huấn, học viên đã được nghe các đồng chí báo cáo viên trình bày, cập nhật những nội dung mới, mang tính thời sự cao về tình hình dịch chuyển địa chiến lược của các nước lớn trên thế giới và những chính sách của Việt Nam, với các chuyên đề cụ thể như sau:

- Chuyên đề 1: Địa chiến lược - những vấn đề lý luận cơ bản và các đối sách, do TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Trung tâm nghiên cứu chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Lào, nguyên Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương trình bày.

- Chuyên đề 2: Biến chuyển địa chiến lược thế giới, khu vực trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, do TS Vũ Lê Thái Hoàng - Phó vụ Trưởng Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao trình bày.

- Chuyên đề 3: Xu hướng dịch chuyển địa chiến lược thế giới và khu vực, trước và sau đại dịch Covid-19, do TS. Lê Đình Tĩnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao trình bày.

- Chuyên đề 4: Địa chiến lược giữa các nước lớn (Mỹ, Nga, Trung Quốc) và đối sách của các quốc gia đang phát triển, xem xét trường hợp Việt Nam, do PGS.TS Thái Văn Long - Phó Viện trưởng, Viện Quan hệ Quốc tế, Học viện CTQG Hồ Chí Minh trình bày.

- Chuyên đề 5: Xu hướng dịch chuyển địa chiến lược của ASEAN trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và đối sách của Việt Nam, do PGS.TS Nguyễn Văn Lịch - Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Ngoại Giao trình bày.

- Chuyên đề 6: Xu hướng dịch chuyển địa chiến lược của Trung Quốc sau đại dịch Covid-19; đối sách của ASEAN và Việt Nam, do PGS.TS Lê Văn Toan - Nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, Học viện CTQG Hồ Chí Minh trình bày.

- Chuyên đề 7: Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc trong cục diện chuyển động địa chính trị toàn cầu và đối sách của Việt Nam, do PGS.TS Nguyễn Viết Thảo - Nguyên Phó Giám đốc Học viện CTQG Hồ Chí Minh trình bày.

Từng nội dung chuyên đề đều mang tính thời sự và thực tiễn cao, cung cấp nhiều thông tin khoa học, rất bổ ích đối với lực lượng giảng viên giảng dạy bộ môn Kinh tế Chính trị trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy. Bên cạnh đó, trong quá trình giới thiệu nội dung từng chuyên đề, các Báo cáo viên cũng đặt ra rất nhiều nội dung trao đổi, thảo luận nhằm phân tích, làm rõ từng vấn đề cụ thể cũng như tăng cường tương tác, trao đổi với các đại biểu tham dự tại các điểm cầu. Bên cạnh đó cũng định hướng rất rõ những nội dung căn bản mà giảng viên cần cung cấp, chuyển tải đến người học trong quá trình giảng dạy trên lớp một cách phù hợp.

Những nội dung được trình bày và thảo luận tại lớp Bồi dưỡng đã góp phần cập nhật thêm nhiều thông tin mới về tình hình dịch chuyển địa chiến lược của các nước lớn trên thế giới và những chính sách của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị đáp ứng yêu cầu xây dựng Trường Chính trị chuẩn theo Quyết định số 11 - QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Phát biểu Bế giảng lớp Bồi dưỡng, PGS.TS Hoàng Phúc Lâm - Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện CTQG Hồ Chí Minh nhấn mạnh: bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị, giảng viên Học viện CTQG Hồ Chí Minh và các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tích cực tham gia vào công tác tổng kết thực tiễn, phản biện và đề xuất chính sách với Đảng, nhà nước cũng như các địa phương. Chính vì thế hoạt động bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với đội ngũ này phải được tổ chức thường xuyên hơn nữa, đa dạng hình thức và nội dung mang tính thực tiễn cao, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới hiện nay./.

ThS. Trương Thanh Nghĩa


Đang online: 3
Hôm nay: 491
Đã truy cập: 757064
Bạn chưa có đủ quyền truy nhập portlet này.